Hôm qua (9/5), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2023 (PCI 2023). Trong bảng xếp hạng năm nay, Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu với 71,25 điểm. Như vậy, tỉnh Quảng Ninh lần thứ 7 duy trì vị trí quán quân.

Các vị trí tiếp theo trong Top 5 của bảng xếp hạng PCI 2023 lần lượt là Long An, Hải Phòng, Bắc Giang, và Đồng Tháp. Như vậy trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương chỉ có duy nhất TP. Hải Phòng góp mặt trong Top 10 (cụ thể là đứng vị trí thứ 3).

Khảo sát từ 11.000 doanh nghiệp cho thấy: Chất lượng thực thi của bộ máy chính quyền cơ sở năm vừa qua đã tốt hơn. Các địa phương cũng ngày càng chú trọng đến việc giảm thiểu thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp theo Nghị quyết 02 của Chính phủ.

Doanh nghiệp dệt may có 8 nhà máy nằm tại các địa phương khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ, trong đó có 3 nhà máy mới đi vào hoạt động năm 2023. Trong quá trình triển khai, họ cho biết thủ tục hành chính xin cấp phép cho các dự án mới đã rút ngắn nhiều, tiết kiệm thời gian và công sức cho doanh nghiệp.

Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết: "Nhà máy mới của chúng tôi mở rộng ở Thanh Hoá, Thái Bình và Quảng Bình, chúng tôi cảm nhận được từ lãnh đạo tỉnh cho đến các sở ban ngành đều tạo điều kiện giải quyết các thủ tục liên quan đến việc cấp phép đầu tư. Đối với May 10 của chúng tôi chủ yếu là đầu tư mở rộng năng lực sản xuất thì đều được giải quyết khá nhanh".

Theo kết quả PCI 2023, tỉnh Quảng Ninh lần thứ 7 duy trì vị trí quán quân, tiếp đến là các địa phương Long An, Hải Phòng, Bắc Giang, Đồng Tháp. Đây đều là những địa phương có cải cách chính sách mạnh mẽ như đẩy mạnh vai trò của người đứng đầu, thay đổi chiến lược thu hút đầu tư. Đơn cử như việc chính quyền đã đi đến từng cụm công nghiệp để lắng nghe và gỡ khó cho các doanh nghiệp.

Ông Trương Hòa Châu - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp thông tin: "Thành lập tổ công tác cải thiện giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khi doanh nghiệp có việc cần trao đổi chúng tôi đã tháo gỡ kịp thời. Đối với lãnh đạo tỉnh, không quản ngại thời gian, chúng tôi có cafe doanh nghiệp, các doanh nghiệp đến trao đổi với lãnh đạo tỉnh về những khó khăn từ đó sẽ tháo gỡ kịp thời".

Đại diện VCCI cũng cho biết kết quả khảo sát cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tiếp tục xu hướng cải thiện theo thời gian, với điểm số chỉ số PCI tổng hợp tại tỉnh có thứ hạng trung bình tại các năm trước đã tăng lên. Hầu hết các chỉ tiêu đánh giá về công tác triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của năm 2023 đều có sự cải thiện so với năm 2022. Đại diện các hiệp hội cho biết các địa phương cần tiếp tục duy trì những chính sách đặc thù phù hợp với lợi thế để doanh nghiệp đầu tư có hiệu quả ổn định.

Ông Nguyễn Vân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Công nghiệp Hỗ trợ TP. Hà Nội cho biết: "Các doanh nghiệp khi đầu tư vào một tỉnh thành thì có cơ chế, quyết định đặc thù riêng với địa phương về điều kiện kinh tế xã hội, chính trị. Tôi khảo sát với Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ của chúng tôi cũng rất trọng tâm vào việc đóng góp, góp ý, đánh giá việc cải cách thủ tục hành chính của từng địa phương, trong đó có việc phải số hóa, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, cán bộ phụ trách".

Các hiệp hội cũng kiến nghị các địa phương cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng hơn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, tiếp tục cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính không cần thiết để doanh nghiệp tập trung đầu tư, phục hồi hiệu quả năng lực sản xuất kinh doanh từ nay đến cuối năm.